Kiểm soát “nạn đói tiềm ẩn” ở trẻ nhỏ bằng chế độ ăn uống khoa học
Nội dung bài viết
“Nạn đói tiềm ẩn” hay còn gọi là thiếu hụt vi chất dinh dưỡng gây suy yếu sức đề kháng, khiến trẻ thấp còi, chậm phát triển. Để ngăn chặn “nạn đói tiềm ẩn” và giúp trẻ hồi phục nhanh chóng, phụ huynh cần bổ sung kịp thời các nhóm vitamin cần thiết cho trẻ thông qua chế độ dinh dưỡng đa dạng thường ngày, đặc biệt trong một số giai đoạn “vàng”: thời kỳ mẹ mang thai, từ 0-5 tuổi, giai đoạn tiền dậy thì, dậy thì,…
Theo điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8%, thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13% (tương đương gần một triệu trẻ); tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4%,...
Thiếu vi chất dinh dưỡng quan trọng như i-ốt, vitamin A, sắt, folate, kẽm,... trong thời gian dài có thể dẫn đến hệ quả nghiêm trọng về cả thể chất và trí tuệ: mù lòa, tổn thương não, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và thần kinh.
Vậy, làm thế nào để nhận biết và khắc phục “nạn đói tiềm ẩn”?
Thiếu vitamin A
Tác hại: Thiếu vitamin ở trẻ gây chậm lớn, còi cọc; khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp; thiếu vitamin A trầm trọng dẫn đến mù lòa.
Dấu hiệu: Trẻ quáng gà, khô kết mạc, khô loét giác mạc, ăn kém ngon.
Cách bổ sung vitamin A kiểm soát “nạn đói tiềm ẩn”:
-
Bổ sung thức ăn nguồn gốc thực vật gồm: các loại rau xanh như rau muống, bông cải xanh, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, rau thơm; các loại củ quả như gấc, cà rốt, ớt chuông, quả chín như đu đủ, xoài.
-
Bổ sung thức ăn nguồn gốc động vật: gan, thịt, cá, trứng, sữa,…
Đặc biệt, sử dụng thực phẩm giàu vitamin A cần đi kèm với chế độ ăn đủ chất béo trong khẩu phần để hàm lượng vitamin A hấp thu được dễ dàng và trọn vẹn.
Đối với trẻ có nguy cơ cao thiếu vitamin A, cần được điều trị theo chỉ định từ bác sĩ.
Thiếu canxi và vitamin D
Tác hại: Thiếu canxi dẫn đến bệnh còi xương, chậm phát triển chiều cao, còi cọc, xương giòn, dễ chấn thương.
Dấu hiệu: Trẻ ra mồ hôi nhiều (đặc biệt trán, cổ, lưng, gáy); ngủ không sâu, dễ bị giật mình; chân tay dễ nhức mỏi; răng mọc chậm và dễ bị sâu răng; rụng tóc; táo bón; chậm vận động.
Cách bổ sung canxi và vitamin D kiểm soát “nạn đói tiềm ẩn”:
-
Thường xuyên cho trẻ tắm nắng, từ 7-9 giờ, mỗi ngày khoảng 10-15 phút.
-
Bổ sung thực phẩm nguồn gốc động vật: dầu gan cá; lòng đỏ trứng, sữa, gan động vật; các loại cá như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ,...
-
Bổ sung thực phẩm nguồn gốc thực vật: các loại đồ uống từ ngũ cốc, nước trái cam ép đã được bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết; nấm shitake khô.
Nếu trẻ cần bổ sung vitamin liều lượng cao cần tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng.
>>> Có thể bạn quan tâm: Lợi ích của vitamin D đối với sức khỏe tinh thần mà bạn không nên bỏ qua
Thiếu sắt
Tác hại: Trẻ dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp và mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Dấu hiệu: Trẻ da xanh xao; móng tay nhợt nhạt; mệt mỏi, học tập không tập trung. Nếu thiếu máu nặng có thể biểu hiện hoa mắt chóng mặt, khó thở chạy nhảy, vận động mạnh; sút cân; rối loạn tiêu hóa, lách to nhẹ,...
Cách bổ sung sắt kiểm soát “nạn đói tiềm ẩn”:
-
Bổ sung thực phẩm nguồn gốc động vật: những loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt cừu,...); hải sản (cá ngừ, cá hồi, tôm, cua, nghêu, sò,...); gia cầm, trứng và nội tạng động vật (gan, thận).
-
Bổ sung thực phẩm nguồn gốc thực vật: các loại rau có màu xanh đậm (rau bó xôi, rau muống, bông cải xanh,...); các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt hoặc trái cây khô,...
-
Các loại thực phẩm giàu vitamin C (như cam quýt, dâu tây, đu đủ, bông cải xanh,…) sẽ góp phần giúp hấp thụ sắt tốt hơn. Vì vậy, có thể kết hợp vitamin C với các thực phẩm khác để hiệu quả tối ưu.
Nếu nghi ngờ trẻ bị thiếu máu thiếu sắt, chúng ta nên cho trẻ đi khám bác sĩ nhi khoa.
Thiếu kẽm
Tác hại: Trẻ dễ bị nhiễm trùng, cảm lạnh và cảm cúm; chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chậm tăng trưởng chiều cao.
Dấu hiệu: Trẻ chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa, chậm tăng trưởng chiều cao, giảm ăn, giảm bú, không ăn thịt cá, chậm tiêu, buồn nôn và nôn kéo dài, dễ viêm; tóc rụng, móng giòn dễ gãy; khó đọc; mau quên.
Cách bổ sung kẽm kiểm soát “nạn đói tiềm ẩn”:
-
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi nguồn kẽm tốt nhất và dễ hấp thu nhất chính là sữa mẹ. Vì thế, người mẹ cần duy trì lượng kẽm trong sữa cũng như bổ sung thêm kẽm cho sự phát triển của trẻ.
-
Nguồn thực phẩm giàu kẽm: tôm đồng, lươn, hàu, sò, cá; gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng; đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng), cùi dừa già, khoai lang,...
-
Ngoài ra, để trẻ hấp thụ kẽm tốt nhất nên bổ sung vitamin C từ các loại trái cây tươi.
-
Với trẻ biếng ăn, trẻ bị ốm nên uống bổ sung vi chất kẽm kết hợp với Lysine, Taurine, Vitamin nhóm B,...
Thiếu i-ốt
Tác hại: Trẻ chậm phát triển trí tuệ, nói ngọng, gây các bệnh liên quan tuyến giáp, gây chậm phát triển trí tuệ.
Dấu hiệu: Nếu thiếu iốt nặng trong giai đoạn mang thai, trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Thiếu iốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nghễnh ngãng, giảm kết quả học tập, thường xuyên mệt mỏi,…
Cách bổ sung i-ốt kiểm soát “nạn đói tiềm ẩn”:
-
Bổ sung những loại thực phẩm giàu chất i-ốt: các loại hải sản (tôm-cua-cá-ghẹ,...), rong biển, tảo biển; các loại rau xanh đậm (rau dền, rau đay, mồng tơi, bồ ngót,…); trái cây tươi; thịt và sữa.
-
WHO khuyến cáo sử dụng muối i-ốt thường xuyên trong việc chế biến thức ăn để phòng tránh hiệu quả tình trạng cơ thể bị thiếu hụt lượng i-ốt, nhất là trẻ đang tuổi tăng trưởng.
Có thể nói, vi chất dinh dưỡng rất cần thiết với sự phát triển của trẻ. Phụ huynh nên quan tâm và hành động thiết thực thông qua chế độ dinh dưỡng đa dạng, hợp lý để giúp bé tránh “nạn đói tiềm ẩn”. Để hiệu quả, các bậc bố mẹ cần tìm hiểu về dinh dưỡng ngay giai đoạn tiền hôn nhân, chuẩn bị làm mẹ.
>>> Xem thêm: