Phụ huynh trăn trở 'Con đua đòi có phải vì gặp bạn xấu?'
Con trẻ ở tuổi trưởng thành có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với thế giới xung quanh, cũng xuất hiện xu hướng nổi loạn, đua đòi là thực tế khiến nhiều phụ huynh trăn trở.
“Tôi rất lo bởi con trước đây có thành tích tốt, được giáo viên khen ngợi nhưng lên cấp 2 gặp gỡ nhiều bạn mới, đặc biệt là anh chị lớp trên dẫn đến học hành sa sút. Có lần tôi còn thấy con nói dối để đi chơi với một nhóm bạn tóc nhuộm xanh đỏ, bấm khuyên tai. Tôi lo con sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nên đã cấm đoán, nhưng con đóng cửa khóc rất nhiều trong phòng riêng và nói tôi không hiểu con và bạn bè con”, một phụ huynh có con vừa chuyển cấp chia sẻ.
Nỗi lo ấy không hiếm ở các phụ huynh, khi những đứa trẻ bé bóng ngày nào đã trưởng thành và không còn nghe lời cha mẹ răm rắp, đặt bạn bè lên trên hết. Tuy nhiên, nỗi lo ấy có thể tạo ra những tổn thương cho ba mẹ hoặc con cái nếu xử lý quá cứng nhắc hoặc nặng nề.
Con có bạn - vừa mừng vừa lo
Con người là loài động vật bậc cao có tính quần thể rất mạnh mẽ, và điều này phát triển rõ nét nhất trong giai đoạn cấp 2, bắt đầu từ lúc đánh dấu sự dậy thì của trẻ. Nhu cầu thuộc về cũng là một trong 5 bậc nhu cầu quan trọng theo nhà tâm lý học Maslow, trẻ sẽ tìm kiếm những người bạn thân hoặc một nhóm bạn thân để tạo cảm giác an toàn cho chính mình.
Việc trẻ có một nhóm bạn thân là dấu hiệu rất đáng mừng, cho thấy con có khả năng giao tiếp xã hội, đặc biệt là việc tìm kiếm sự chia sẻ, đồng cảm từng những người cùng trang lứa. Trong nhóm bạn, trẻ cũng học cách ứng xử như giữ chữ tín, giúp đỡ, chia sẻ... Từ đó thế giới quan xã hội trong trẻ sẽ phát triển và định hình.
Bạn bè trong giai đoạn trung học đề cao sự trung thành và thường có một bộ luật ngầm giữa những người trong nhóm. Bộ luật này có sự tùy biến đa dạng, nhưng tóm lại vẫn có một thủ lĩnh thường xuyên thiết lập những quy tắc, và ai chung niềm tin hoặc ngưỡng mộ sẽ đi theo, chấp hành các quy tắc đó. Các “điều luật” với đặc điểm: Hết lòng vì bạn bè, giữ bí mật, cùng chung quan điểm về một sự kiện hay một ai đó, cùng thần tượng, cùng sở thích...
Điều đó có nghĩa, nhóm bạn của trẻ đưa ra những luật lệ phù hợp, cùng nhau phát triển về thể chất hoặc tinh thần là điều đáng quý. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nhóm bạn đưa ra các nguyên tắc gây tổn thương đến một thành viên, hoặc có dấu hiệu trục lợi về mặt tiền bạc, công sức.
Ở trong một nhóm bạn, trẻ thường thiếu đi sự chủ động, quyết đoán và có xu hướng hùa theo tập thể để đảm bảo sự an toàn cho chính mình. Đó cũng là lý do hiện tượng tẩy chay diễn ra thường xuyên vì có những cá nhân chống lại tập thể và những thành viên trong tập thể đó phải chấp hành hoặc sẽ bị đào thải.
Làm gì khi con đòi hỏi được như bạn bè?
Giai đoạn cấp 2, hệ thống đánh giá và tự đánh giá của trẻ phát triển vượt bậc. Nếu ở giai đoạn mầm non hay tiểu học, việc so sánh chỉ nằm ở những dấu hiệu bên ngoài thì cấp trung học đi sâu hơn vào các đặc điểm trong thế giới nội tâm.
Bên cạnh những đòi hỏi về vật chất, trẻ còn tự so sánh gia đình mình với gia đình bạn bè, về cách bạn bè được quan tâm, chiều chuộng. Sự so sánh ở một mức độ là cần thiết, vì đây là tiền đề để con hoàn thiện bức tranh về mình: Những điểm mạnh, yếu, nổi trội khi đặt lên so sánh với những người xung quanh. Sự tự so sánh này cũng tạo động lực bên trong để trẻ hoàn thiện chính mình.
Tuy nhiên, mọi thứ dần xấu xí đi khi trẻ tự so sánh sau đó chìm ngập trong tự ti, hoặc đưa ra các yêu cầu vô lý với gia đình. Thay vì dập tắt những yêu cầu này, người lớn nên dành thời gian phân tích.
Nếu sự đòi hỏi của trẻ chỉ đơn thuần về vật chất bên ngoài, hãy trao đổi thêm lý do con muốn sở hữu món đồ đó. Cùng con tìm giá tiền, công dụng, độ bền... và cùng đánh giá đây có phải là một sự đầu tư khôn ngoan hay không. Bạn có thể bắt đầu cho con giữ một khoảng tiền nhỏ, để chính con biết cách cân đối chi tiêu đáp ứng với sở thích của mình.
Nếu sự đòi hỏi của trẻ liên quan đến cảm xúc, sự quan tâm, bạn cần bàn bạc lại với bạn đời để đánh giá nghiêm túc thời gian dành cho trẻ, lắng nghe thêm những suy nghĩ của trẻ để tránh mất kết nối tình cảm.
Khi xem trẻ như một người trưởng thành có tiếng nói, đứng trước những yêu cầu hay đòi hỏi, phụ huynh cần tế nhị phân tích tình hình thực tế của gia đình, thương thảo với trẻ về các hình thức đáp ứng khác, có thể không đúng như kỳ vọng nhưng cũng thể hiện sự cố gắng của người lớn. Khi trẻ đòi hỏi, thực chất phản ánh một cảm giác thiếu sót bên trong và rất cần sự bù đắp của người thân.
Không đánh giá cuốn sách qua trang bìa
Hệ thống kinh nghiệm giúp người lớn có khả năng nhìn bao quát và nhiều tầng câu chuyện, nhưng cũng chính điều này làm một số người trở nên cứng nhắc, duy ý chí và vội vàng trong đánh giá. Trong câu chuyện đầu, người mẹ dựa vào các đặc điểm bề ngoài để ngăn cấm không cho con tiếp tục duy trì mối quan hệ bạn bè. Cần lưu ý rằng những đặc điểm như nhuộm tóc, dù phản cảm nếu xét theo tiêu chuẩn lứa tuổi, nhưng không là đặc điểm quy kết nhân cách của một con người.
Trong quá trình tiếp xúc với người trẻ, có thể bắt gặp nhiều bạn thể hiện phong cách bên ngoài rất khác biệt nhưng hành xử đầy văn minh. Trong khi đó, lỗi sai thường thấy của các bậc phụ huynh là dùng quyền lực cứng của mình để ép con phải thực hiện một yêu cầu nào đó.
Trong trường hợp con trẻ giao du với những nhóm người khiến bạn lo lắng, thay vì cấm đoán con không được chơi, hãy cùng trao đổi, hỏi thêm con về lý do vì sao con chọn giao tiếp với họ. Trong chia sẻ của con, bạn sẽ có thêm dữ liệu để đánh giá khách quan hơn về những người bạn ấy, cũng như có cơ sở trong việc phân tích.
Những cảnh báo đỏ cần quyết liệt
Phụ huynh trao đổi thẳng thắn và công nhận con là một người lớn trong gia đình, tôn trọng tiếng nói và quyết định của con. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần làm con hiểu rõ để làm người lớn thì ngoài quyền lợi còn đi kèm với trách nhiệm, và con sẽ chịu trách nhiệm trước ba mẹ về những lựa chọn của mình.
Quote: “Con có bạn bè là sự phát triển tất yếu của lứa tuổi. Phụ huynh hãy sẵn sàng tâm thế, chuyển đổi vai trò trở thành người bạn lớn để đồng hành dễ dàng hơn với con trong giai đoạn này”.
Một trong những điểm quan trọng của tình bạn là không lợi dụng bất kỳ thành viên nào, cũng như không khiến cho bất kỳ ai trở nên xấu đi. Những cảnh báo đỏ cần lưu ý trong tình bạn của con, gồm: Con thường xuyên phải chi trả cho nhu cầu của bạn bè, con phải làm bài tập thay hoặc gánh vác những công việc đáng lẽ không phải của con, nhân danh tình bạn để ép con làm một việc gì đó con không tự nguyện, con tham gia vào hành vi bạo lực (tinh thần, thể chất) hoặc sử dụng các chất kích thích.
Những cảnh báo này cần được phụ huynh trao đổi sớm, trước cả khi con có dấu hiệu tham gia vào một nhóm bạn nào đó, bởi với áp lực từ số đông và bộ luật tình bạn, con sẽ rất khó quay đầu. Những cảnh báo này giúp con nhận biết những người xấu hoặc hành vi xấu đội lốt tình bạn đẹp. Tình bạn thật sự phải xây dựng trên nền tảng tôn trọng nhu cầu cá nhân, hòa hợp nhu cầu tập thể và bất cứ thành viên nào cũng phải có sự tham gia, đóng góp để duy trì mối quan hệ đó.
Việc học tập sa sút chưa hẳn là cảnh báo đỏ vì còn nhiều nguyên do đằng sau. Kết quả học tập có thể không quá quan trọng nếu con có những ước mơ hoặc động lực khác mạnh mẽ hơn, ví dụ như ham mê tập luyện một môn thể thao nào đó để trở thành vận động viên chuyên nghiệp.
Cảm giác “thế giới nhỏ của mình” không còn xem mình là duy nhất luôn là áp lực lớn của bất cứ bậc phụ huynh nào. Nhưng con trẻ cần phải lớn, mở rộng vòng tròn quan hệ và phát sinh những sự kết giao ngoài gia đình. Đây giai đoạn khởi đầu cho chuyến hành trình đưa con đến thế giới rộng lớn hơn, và vai trò của phụ huynh vẫn rất quan trọng trong việc đồng hành, đưa ra những cảnh báo về những khó khăn phía trước. Phụ huynh cần học cách tôn trọng quyết định của con, chia sẻ trách nhiệm cho con khi con đang sẵn sàng trở thành người trưởng thành.
Chuỗi nội dung về tâm lý “Mình còn cần nhau” do Prudential Việt Nam kết hợp TS tâm lý học - giảng viên Tô Nhi A thực hiện. Mỗi bài viết là những chia sẻ về kiến thức tâm lý nhằm giúp các gia đình lắng nghe, thấu hiểu và có những hành động thiết thực duy trì hạnh phúc lâu bền. Độc giả xem thêm các bài viết tâm lý khác tại đây.