Làm thế nào để hướng dẫn con trưởng thành?
Nội dung bài viết:
Con trẻ cần sự hỗ trợ của cha mẹ để quá trình trưởng thành diễn ra đúng hướng và không có những hệ quả đáng tiếc.
Thay vì áp đặt, cha mẹ nên học cách trở thành người bạn để thấu hiểu con cái, đặc biệt khi trẻ ở lứa tuổi muốn thoát khỏi vỏ bọc và trở thành người lớn.
Con muốn chứng tỏ mình lớn
Hầu hết phụ huynh đều mong muốn con mình hạnh phúc, thành công. Mỗi gia đình sẽ có cách hướng dẫn con khác nhau, nhưng không ít cha mẹ cố hết sức dang rộng đôi cánh nhằm che chắn cho con càng nhiều càng tốt.
Một bạn học sinh lớp 8 trong một buổi tư vấn chia sẻ: “Cha mẹ như đang xem con là học sinh lớp 1. Từ nhà đến trường chỉ có 1 km nhưng cha mẹ nhất quyết không cho con đi bằng xe đạp hay đi bộ vì sợ nguy hiểm. Phòng của con không có ổ khoá, cha mẹ có thể bước vào bất cứ khi nào. Tất cả các thiết bị điện tử con sử dụng đều bị cha mẹ kiểm tra ít nhất 1-2 lần/ngày. Thấy con đi chơi với một người bạn nào, cha mẹ gặng hỏi tất cả thông tin về họ, nếu con không nói rõ thì cấm con giao du”.
Em nói rằng biết cha mẹ lo cho mình nhưng cách quan tâm này khiến em “nghẹt thở”. Trong quá trình làm việc với hàng chục nghìn học sinh trung học cơ sở, chuyên gia của Prudential chứng kiến và lắng nghe rất nhiều câu chuyện mà ở đó người lớn vẫn chưa đồng cảm với thế giới đang lớn của con dù các em có thể thấu hiểu góc nhìn của cha mẹ.
Một phụ huynh liên hệ với phòng tư vấn học đường vì con của mình chỉ mới lớp 7 nhưng đã bị giáo viên chủ nhiệm phản ánh “có tình cảm đặc biệt với một bạn trong lớp”. Phụ huynh đã tìm cách ngăn cản, thậm chí tính đến việc chuyển lớp, chuyển trường để mong con không sa đà vào chuyện tình cảm quá sớm. Tuy nhiên, cha mẹ càng quan tâm thì con càng xa lánh, chống đối, thậm chí tuyệt thực, tuyệt giao với gia đình.
Prudential hiểu sự lo lắng của phụ huynh, đặc biệt khi các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh thực trạng đáng báo động về tình yêu tuổi học trò nhanh chóng chuyển thành tình dục thiếu an toàn, dẫn đến hàng nghìn ca phá thai ngoài ý muốn. Một khảo sát trên 800 học sinh tại Hà Nội vào năm 2018 đã chỉ ra, kết quả đến hết lớp 9 có khoảng 10% học sinh từng quan hệ tình dục; tính đến hết lớp 12 con số là 39%. Tuy nhiên, càng cấm con càng làm liều, lén lút, vậy cha mẹ có giải pháp nào để đồng hành cùng con?
Gia đình hướng dẫn cách con lớn
Lứa tuổi học sinh trung học cơ sở (THCS) tại Việt Nam gần trùng với lứa tuổi thiếu niên (11-15 tuổi). Đây là lứa tuổi biến động nhiều từ thể chất đến tinh thần do các em trải qua sự thay đổi của quá trình dậy thì. Thiếu niên trải qua sự thay đổi rất mạnh mẽ và sâu sắc về cơ thể, sinh lý và tâm lý, từ đó dẫn đến hàng loạt vấn đề, khó khăn (tình cảm và rung cảm mới mang tính chất giới tính, xuất hiện tình yêu đầu đời, quan tâm đến các vấn đề tình dục...) mà các em không biết tham khảo từ đâu.
Giai đoạn này, học sinh THCS cũng thoát ly khỏi gia đình để khẳng định sự độc lập dẫn đến mâu thuẫn với cha mẹ, không chấp nhận cách thức quan tâm cũ khi còn là trẻ tiểu học. Với văn hoá phương Đông, người lớn ít đề cập đến các kiến thức về giới tính và có thói quen bảo bọc khiến các em phải tìm đường không chính thống để tham khảo những điều mình đang băn khoăn.
Khi cha mẹ thay đổi vai trò của mình từ phụ huynh thành “người bạn lớn” sẽ giúp họ tiếp cận vào thế giới tâm hồn của con dễ dàng hơn. Tiêu chí quan trọng của một người bạn là: Tôn trọng, uy tín và không phán xét.
Tôn trọng là đặc tính ít xuất hiện trong giai đoạn con ở tuổi tiểu học trở xuống vì hầu hết quyết định của con đều bị chi phối bởi gia đình. Phụ huynh nên để con được lên tiếng, bắt đầu đặt ra những câu hỏi để con cùng tham gia vào những quyết sách của gia đình, đặc biệt là những vấn đề có liên quan trực tiếp đến con.
Ví dụ, cha mẹ hỏi con có sở thích gì ngoài việc học tập và đưa ra gợi ý về các môn thể thao, múa, kỹ năng sống... và lắng nghe cảm nhận của con về từng lựa chọn. Thay vì nói “cha mẹ đã đăng ký cho con tham gia học bơi”, phụ huynh dần thay đổi thành “con thấy việc học bơi như thế nào? Bơi nhiều sẽ cao lớn lên, chân dài hơn, dáng đẹp hơn”.
Có những ý kiến của con không hợp ý phụ huynh nhưng đúng sai thường rất mờ nhạt, do đó nếu con học cách ra quyết định chính xác, cha mẹ cũng nên học cách tin tưởng và “mềm hóa” quan điểm của chính mình. Con quan tâm đặc biệt đến một ai đó, trước tiên hãy nghe con trình bày những điểm con cho là người ấy tốt, vì trong thế giới giao tiếp của thiếu niên có những thứ tiềm ẩn mà người lớn chưa thể đánh giá thông qua bề ngoài.
Kế đến, uy tín cũng là yếu tố khó thực hiện. Một trong những sự “vỡ mộng” từ giai đoạn mẫu giáo, tiểu học chuyển lên trung học của trẻ là việc phát hiện ra có những thứ người lớn lấy lý do để làm trái lại những nguyên tắc mà họ đã dạy cho mình. Dẫu biết thế giới của người lớn có nhiều điểm phức tạp, cũng chính vì vậy thiếu niên học cách che giấu, không thực hiện những lời dạy vì cho rằng chỉ có cách này mới trở thành người trưởng thành.
Với sự phát triển về tự đánh giá trong mặt nhận thức, trẻ liên tục đối chiếu những gì mình biết, mình đang làm với những gì mình quan sát được. Ngoài ra, sự uy tín còn nằm ở mức độ cam kết bằng lời nói. Khi trẻ có khó khăn cần tâm sự, người lớn cũng phải giữ bí mật theo đúng những gì đã hứa. Nếu sự việc quá nghiêm trọng hoặc cần sự phối hợp của nhà trường, phụ huynh không được hứa sẽ giữ bí mật, thay vào đó là nói rõ lý do và hỏi ý kiến của trẻ.
Cuối cùng là việc không phán xét một cách cực đoan những gì trẻ thổ lộ. Đôi khi, một lời gằn giọng, to tiếng sẽ cắt đứt sợi dây liên kết giữa con và gia đình. Lý do trẻ tìm đến bạn bè để tâm sự nhiều hơn vì sự đồng cảm, kể cả sự đồng cảm ấy có sai hoặc vô tình dẫn đến một con đường nguy hiểm.
Trong trường hợp trẻ có lời nói hoặc hành vi ngoài dự đoán của gia đình, thay vì đánh giá trẻ làm như vậy là chưa phù hợp, phụ huynh nên đặt câu hỏi: “Vì sao lúc đó con lại làm như vậy?”, “Nếu con là người đó, con sẽ cảm thấy như thế nào?”. Thiếu niên có những xúc cảm về giới tính là kết quả của sự phát triển hormone, sinh lý và cả về tâm lý, điều đó sẽ không vì sự ngăn cản của phụ huynh mà thui chột.
Trong khi đó, những gia đình không phán xét con sẽ càng củng cố sự tin tưởng và tối đa việc chia sẻ, trao đổi, từ đó con sẽ ưu tiên tham khảo ý kiến của phụ huynh để lắng nghe những góp ý quý giá cho hành trình trải nghiệm của mình. Những giải pháp này không cần phải đợi con bước vào tuổi dậy thì mới bắt đầu áp dụng, thay vào đó phụ huynh cần tạo một môi trường cởi mở trong gia đình ngay từ khi trẻ còn tiểu học. Đó cũng là tiền đề vững chắc để giảm thiểu sự nổi loạn về sau.
Hành trình cần sự quyết tâm
Chọn cách giáo dục cởi mở sẽ đánh đổi thời gian của người lớn. Trong một nhịp sống nhanh, sẽ không nhiều phụ huynh chọn chậm lại một nhịp để hướng dẫn con cách bước vào thế giới người trưởng thành. Sự áp đặt, ra lệnh thường được sử dụng vì nhanh chóng và có hiệu quả tức thì.
Thay đổi cách thức nhìn nhận vai trò của con chậm hơn sự phát triển vốn có cũng là tiền đề cho sự mâu thuẫn nội tại ở người con trong tiến trình phát triển tâm lý lứa tuổi. Thói quen này cần được thay đổi dần dần, mỗi ngày một chút. Do đó, từng thành viên trong gia đình cần nhắc nhở, động viên nhau mỗi ngày trong hành trình khó khăn này.
Đôi khi, người đi trước tước đi quyền được sai của đứa trẻ vì bản thân đã trải qua và biết những cú vấp ngã rất đau đớn. Nhưng nếu không vấp, trẻ sẽ không có cơ sở kiểm chứng những lời chỉ dạy của người lớn. Vấp ngã rồi mạnh mẽ đứng dậy cũng là một bài học quan trọng để sẵn sàng đối đầu với sóng gió ngoài xã hội. Vậy nên, cha mẹ hãy dũng cảm nén lòng, đưa ra những cảnh báo, dự đoán, và trao quyền cho trẻ bước đi trên đôi chân của mình.
Chuỗi nội dung về tâm lý “Mình còn cần nhau” do Prudential Việt Nam kết hợp TS tâm lý học - giảng viên Tô Nhi A thực hiện. Mỗi bài viết là những chia sẻ về kiến thức tâm lý nhằm giúp các gia đình lắng nghe, thấu hiểu và có những hành động thiết thực duy trì hạnh phúc lâu bền. Độc giả xem thêm các bài viết tâm lý khác tại đây.