Đừng để con sống
với ước mơ của ba mẹ
Theo TS Tâm lý học, giảng viên Tô Nhi A, mỗi đứa trẻ là một thiên tài. Nhưng thiên tài cũng cần đặt đúng môi trường để phát huy tối đa khả năng.
Trên hành trình sự nghiệp, một trong những ca khai vấn tâm khiến TS Tâm lý học Tô Nhi A nhớ nhất là câu chuyện của thiếu niên lớp 9.
“Gần đây có những chương trình tư vấn hướng nghiệp về trường, nhưng con luôn cảm thấy lạc lõng”, em chia sẻ trong chương trình.
Khi được chuyên gia hỏi về ước mơ, sở thích, em trả lời: “Con không biết”. Lời kể tiếp theo của em phần nào giải đáp thắc mắc của TS Tô Nhi A. Từ cấp một, ba mẹ tạo điều kiện để em theo học nhiều nơi, từ ngoại ngữ, tin học đến năng khiếu. Trên lớp, môn nào dưới 7 điểm em sẽ bị trách mắng.
“Ba mẹ nói con chỉ có việc học mà làm không xong. Con thấy mình giống con rối, ba mẹ yêu cầu học gì thì học đó, dần dần con không quan tâm đến việc mình muốn nữa”, em thổn thức.
Tương lai của con là ước mơ ngày trước của ba mẹ
Khi kết nối với người mẹ thông qua chương trình, TS Tô Nhi A nhận ra góc nhìn khác từ câu chuyện. Người mẹ trải lòng: “Ngày xưa không được ăn học đàng hoàng, nhờ vậy hiểu sự cực khổ khi lao động”. Khi lập gia đình, chị dồn hết mọi điều tốt đẹp cho con.
“Tôi mong chương trình giúp con học giỏi hơn, vì ăn học đầy đủ mà suốt ngày lầm lì. Chẳng lẽ thương con, muốn con nên người là sai sao?”, chị chia sẻ.
Theo chuyên gia, việc bố mẹ muốn dành điều tốt nhất cho con có thể đồng cảm. Tuy nhiên, việc “ép” ai đó nhận thứ họ không muốn, dù thứ đó rất tốt, có đáng ủng hộ?
Sự áp đặt của bố mẹ có thể khiến con cái quay lưng
Thực tế, nhiều phụ huynh quên rằng con cũng có cảm xúc, sở thích riêng. Thay vì tìm kiếm sự đồng thuận từ con, họ dùng quyền áp đặt. Nỗi sợ con kém cỏi cũng khiến các bậc ba mẹ cố tìm con đường dễ đi, giúp con trở nên giỏi giang hơn.
“Con nhà người ta” và những so sánh gây tổn thương
Nhiều người từng chia sẻ với TS Tô Nhi A câu chuyện: “Con nhà người ta như thế lực siêu nhiên, trên thông thiên văn dưới tường địa lý”. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của phụ huynh, bạn học giỏi trên lớp thường bị so sánh với bạn chăm chỉ làm việc nhà; bạn biết phụ giúp gia đình lại bị so sánh với người chăm tập luyện thể thao...
“Hãy thử tưởng tượng một ngày con nói: ‘Gia đình người ta kiếm nhiều tiền, đi du lịch nước ngoài, mua đồ hiệu cho con’, bạn sẽ không cảm nhận được động lực phấn đấu mà là tổn thương, thậm chí tức giận. Vậy tại sao chỉ có người lớn mới có đặc quyền so sánh trẻ nhỏ?”, TS nhận định.
Trong quan điểm của tâm lý học hoạt động, có bốn yếu tố lớn ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách con người, gồm: Di truyền/sinh học, giáo dục, lịch sử xã hội và tính tích cực cá nhân. Muốn so sánh, phụ huynh cần xác định hệ quy chiếu. Nhưng với mỗi người, hệ quy chiếu lại càng mơ hồ. Bởi đặt trong bối cảnh "hoàn hảo" nhất như sinh đôi, học chung trường, sống cùng thời, tính tích cực cá nhân vẫn không thể trùng khớp.
Thuyết đa trí tuệ: Ai cũng có khả năng riêng
TS Tô Nhi A nhận định có ba quan niệm phổ biến nhất về trí thông minh: Coi trí thông minh là năng lực học tập, khả năng khái quát các khái niệm trừu tượng, khả năng thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi. Trong quan niệm Á Đông nói chung, trí thông minh thường được hiểu theo nghĩa thứ nhất, khi danh hiệu “học sinh giỏi” của con trở thành niềm hãnh diện của gia đình. Tuy nhiên, quy gán trí thông minh qua điểm số sẽ giới hạn các năng lực khác.
Trẻ nhỏ có thể phát huy thế mạnh, trí thông minh trong nhiều lĩnh vực.
Nhà tâm lý học Howard Gardner (ĐH Harvard, Mỹ) phát triển lý thuyết đa trí tuệ và cho rằng có 8 loại hình trí thông minh, gồm: Trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh logic toán học, trí thông minh không gian, trí thông minh vận động cơ thể, trí thông minh âm nhạc, trí thông minh giao tiếp giữa các cá nhân, trí thông minh tự nhận thức, trí thông minh khám phá tự nhiên.
Lý thuyết đa trí tuệ dần được thừa nhận và đưa vào hệ thống giáo dục nhằm khuyến khích học sinh phát triển theo hướng chúng quan tâm, góp phần tạo ra sự đa dạng trong ngành nghề.
Vượt qua áp lực từ xã hội để con hạnh phúc
Nhìn nhận lại vấn đề, TS Tô Nhi A cho rằng khó trách các bậc phụ huynh, vì chính họ từng là những đứa trẻ bị thế hệ trước so sánh, đánh giá. Quan điểm về sự giỏi, thông minh bị chi phối bởi quan điểm văn hoá xã hội.
“Những dịp hội họp, những câu hỏi xoáy về chủ đề khoe con khiến phụ huynh bối rối. Nhưng nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ tiếp tay cho những hệ quy chiếu sai lệch”, chuyên gia nhấn mạnh.
Do đó, việc đồng hành cùng con vượt qua áp lực xã hội về quan niệm thành công, tài giỏi là con đường quan trọng hướng đến sự hạnh phúc.
Chuỗi nội dung về tâm lý “Mình còn cần nhau” do Prudential Việt Nam kết hợp TS tâm lý học - giảng viên Tô Nhi A thực hiện. Mỗi bài viết là những chia sẻ về kiến thức tâm lý nhằm giúp các gia đình lắng nghe, thấu hiểu và có những hành động thiết thực duy trì hạnh phúc lâu bền. Độc giả xem thêm các bài viết tâm lý khác tại đây.