Cùng con yêu "xua tan" những rắc rối tuổi học trò
Không ít ba mẹ rất quan tâm tới con khi con đang ở độ tuổi học trò nhưng mãi sau này mới giật mình biết được có những lúc con mình bị lâm vào tình thế “một mình đối chọi với cả thế giới” ở trường. Mặc dù chuyện đã qua nhưng chắc chắn khi biết con phải đối mặt với những chuyện không hay như vậy làm ba mẹ không khỏi xót xa.
Vậy làm sao để tuổi học trò mãi đáng nhớ và là những ngày tháng đẹp nhất của cuộc đời con, làm sao để ba mẹ có thể thành “quân sư quạt mo” ngay lúc con cần nhất? Mời ba mẹ tham khảo ngay những tình huống và lời khuyên sau đây để có thể kịp “bắt sóng” từ các con và tinh tế can thiệp giúp con mình nhé!
Bạn và con cãi nhau to, ba mẹ ạ!
Quốc Minh, 13 tuổi là một cậu bé vốn luôn tràn trề năng lượng, lúc nào cũng liến thoắng kể chuyện và đôi khi còn bày ra nhiều trò khiến ba mẹ phải “đau đầu”. Hiếu động là vậy, nhưng hôm nay vừa đi học về, Minh liền chui tít vào phòng, chẳng thèm líu lo kể chuyện trường lớp, bạn bè như mọi ngày. Ba mẹ nhận ra ngay cậu “quý tử” nhà mình chắc đã gặp chuyện gì không vui ở trường rồi đây.
Tối đó, Minh mếu máo kể với ba:
- Sáng nay lớp con có tiết Khoa học, cô cho chia nhóm làm bài tập. Con, Mai, Ngọc và Trí được phân vào một nhóm. Lúc giải bài thì ba đứa tụi con và Trí ra hai đáp án khác nhau. Con nói Trí mãi nhưng nó chẳng nghe, còn cãi lộn rồi đòi “bo xì” con nữa. Sao Trí lại kì vậy ba?
Nghe thế, ba mỉm cười bảo Minh:
- Chuyện con và Trí nghĩ khác nhau là bình thường thôi. Cũng như ba mẹ với bạn bè, đồng nghiệp đôi khi cũng có ý kiến khác nhau. Ai cũng vậy hết! Nhưng người ta khác nhau là để bổ sung cho nhau và hiểu nhau hơn, chứ nếu mỗi lần có bất đồng lại “bo xì” nhau thì chẳng ai còn bạn bè cả.
Minh hỏi ba ngay:
- Vậy giờ con phải làm sao đây ba? Con chẳng muốn nghỉ chơi Trí đâu!
Thế là ba liền làm “quân sư quạt mo” cho Minh:
- Dễ ẹc, đầu tiên, để hiểu vì sao Trí phản ứng như vậy thì con thử “đóng vai bạn” rồi suy nghĩ theo cách của bạn xem. Sau đó, con hãy chủ động làm hòa với bạn. Nếu con cảm thấy mình sai, hãy dũng cảm nhận lỗi. Nếu con nghĩ mình đúng, hãy chờ bạn bình tĩnh lại rồi tìm cách giải thích. Nếu thấy khó quá, con có thể nhờ các bạn khác làm “cầu nối”. Cứ từ từ, rồi con và Trí sẽ lại huề thôi!
Đi học khó quá, con muốn ở nhà!
Ngọc Mai, 10 tuổi, là một cô bé rất đỗi ngọt ngào và ham học hỏi. Nhưng bỗng một sáng, mẹ đánh thức mãi nhưng Mai chẳng chịu dậy mà lại òa khóc nức nở: “Mẹ ơi, đi học khó quá, con chỉ muốn ở nhà với mẹ thôi!” Mẹ nghe thế thì vừa bất ngờ vừa lo lắng, chẳng biết ở trường đã xảy ra việc gì khiến con gái bé bỏng của mẹ lại phản ứng mạnh như vậy.
Được mẹ ôm vào lòng, Mai trấn tĩnh hơn và thút thít kể:
- Môn Toán khó quá mẹ ơi, thầy giảng mà con không hiểu. Hôm qua thầy gọi con lên bảng làm bài nhưng con không làm được nên mấy bạn cứ chọc con. Con không muốn đi học nữa đâu!
Nghe vậy mẹ thương Mai lắm, vừa vuốt tóc Mai vừa trấn an:
- Ôi không sao đâu con à, kể con nghe, hồi xưa đi học mẹ cũng thấy môn Toán “khó nhằn” mà. Có nhiều lần thầy cô giảng bài mẹ cũng không hiểu ngay được. Nhưng từ từ, mẹ thờ thầy cô và các bạn giảng lại, qua vài lần làm sai thì mẹ cũng nắm bài. Mẹ tin con gái mẹ sẽ còn hiểu bài nhanh hơn mẹ hồi trước nữa.
Thấy Mai đã bình tĩnh hơn, mẹ lại tiếp:
- Giải sai bài tập thì cũng có sao đâu, ai cũng từng làm sai cả, xem như con biết thêm một cách chưa đúng để không lặp lại lỗi đó. Các bạn chỉ giỡn với con một chút thôi, ngày mai sẽ chẳng ai nhớ đến chuyện đó nữa. Từ hôm nay, ba mẹ cũng sẽ cùng làm bài tập với con nhé. Con nhớ nè, học tập là một hành trình rất dài và không phải ai cũng là thần đồng. Vậy nên con cứ bình tĩnh, đừng áp lực mình quá, phải thấy vui thì con mới nhanh hiểu bài và học tốt hơn.
Bí kíp giúp cho ba mẹ cùng con vượt qua rắc rối ở trường
Ba mẹ thấy không, con trẻ vốn rất nhạy cảm và dễ gặp phải các rắc rối từ nhỏ đến lớn ở trường. Nhưng chỉ cần dành thời gian để ý và quan tâm đến con hơn một chút mỗi ngày là ba mẹ đã có thể giúp con vượt qua mọi trở ngại và tự tin trên hành trình khôn lớn. Ba mẹ hãy bỏ túi ngay “trọn bộ bí kíp” dưới đây để cùng con yêu “xua tan” những rắc rối tuổi học trò nhé!
1. Lắng nghe và thấu hiểu: Lắng nghe chính là “chìa khóa” mở cửa mọi trái tim. Để hiểu con hơn, ba mẹ nên dành thời gian lắng nghe con chia sẻ mọi tâm tư, tình cảm lẫn rắc rối có thể gặp ở lứa tuổi học trò.
2. Tìm hiểu nguyên nhân: Sau khi nghe con kể về rắc rối, ba mẹ hãy đặt ra các câu hỏi để có thể tìm hiểu nguyên nhân thực sự, từ đó có thể cùng con tháo gỡ vấn đề.
3. Khích lệ và hỗ trợ: Trẻ con thường rất nhạy cảm và chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên khi có vấn đề xảy ra thường dễ buồn phiền và mất động lực. Lúc này, ba mẹ hãy khích lệ và truyền động lực cho con bằng cách chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình để con cảm nhận được sự đồng cảm và hỗ trợ.
4. Khuyến khích giải quyết: Sau khi con đã bình tĩnh, ba mẹ hãy tiếp tục gợi mở, định hướng giúp con giải quyết rắc rối trên tinh thần tôn trọng, hòa giải, chủ động.
5. Giúp đỡ con học tập: Nếu con gặp khó khăn trong học tập, ba mẹ hãy dành thời gian cùng con làm bài tập, giải đáp thắc mắc và tạo môi trường học tập tích cực tại nhà.
6. Gặp gỡ và trao đổi giáo viên khi cần: Trong trường hợp sự việc hoặc rắc rối có thể vượt quá khả năng giải quyết của con, ba mẹ có thể gọi điện hoặc gặp trực tiếp giáo viên để trao đổi, từ đó tìm hiểu tình hình và tìm ra giải pháp.
Kết luận
Con trẻ khi đi học khó tránh khỏi các tình huống rắc rối “khó nói”. Những lúc như vậy, ba mẹ nên là “người đồng hành” tin cậy nhất cho con. Bằng việc lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ, ba mẹ có thể giúp con hóa giải mọi vấn đề, học tập tốt hơn và xây dựng mối quan hệ gắn bó với bạn bè, thầy cô. Đừng để trẻ cảm thấy cô đơn trên hành trình khôn lớn, ba mẹ nhé!
>>> Bài viết cùng chủ đề: