Bật mí 6 thói quen tốt giúp phòng ngừa Alzheimer
Khi nhắc đến Alzheimer, bạn thường nghĩ đây là bệnh hay xuất hiện ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, nhiều thống kê đã cho thấy bệnh Alzheimer đang ngày càng trẻ hoá. Cho dù ở độ tuổi nào, căn bệnh này là một rào cản lớn đến cuộc sống thường nhật của họ và những người xung quanh. Hãy cùng Prudential tìm hiểu xem Alzheimer là gì và làm thế nào để phòng ngừa bệnh nhé!
Định nghĩa về Alzheimer
Alzheimer - được mệnh danh là “kẻ đánh cắp ký ức", là tình trạng sa sút trí tuệ thường tiến triển trầm trọng hơn theo thời gian, không thể đảo ngược, tức là một khi mắc bệnh, bạn sẽ không bao giờ có thể quay lại với tình trạng sức khoẻ trí não như trước đây.
Triệu chứng bệnh Alzheimer tiến triển theo từng giai đoạn khác nhau:
-
Trước khi mất trí nhớ: người bệnh thường hay mất tập trung, chú ý, giảm khả năng lập kế hoạch, thấy khó khăn khi phải nhớ lại các sự kiện vừa xảy ra gần đây,...
-
Giai đoạn nhẹ: bắt đầu có dấu hiệu suy giảm vốn từ, giảm khả năng nói và viết, có triệu chứng khó phối hợp vận động nhưng nhẹ nên khó phát hiện
-
Giai đoạn khá nặng: không nhớ được từ vựng, hay dùng sai từ, khả năng đọc viết mất dần, giảm khả năng phối hợp vận động nên dễ bị ngã, tính khí trở nên hung hăng, thường bỏ đi lang thang,...
-
Giai đoạn nặng: mất khả năng sinh hoạt và chăm sóc bản thân, phải phụ thuộc vào người khác, mất khả năng ăn uống, thoái hóa cơ và nằm liệt giường
Nguyên nhân gây nên Alzheimer
Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh Alzheimer vẫn còn là ẩn số. Các chuyên gia tạm đi đến kết luận rằng Alzheimer là kết quả của những tác động phức tạp hình thành từ nhiều tác nhân khác nhau, như tuổi tác, gen, môi trường, lối sống và các điều kiện y tế hiện hữu.
Khi bệnh xảy ra, các tế bào não lưu trữ và xử lý thông tin bắt đầu suy yếu. Ngoài ra, các protein bất thường được tạo ra, thành những mảng bám, tích tụ xung quanh và bên trong các tế bào làm chết tế bào não, từ đó gây cản trở đến quá trình truyền tải thông tin. Về lâu dài, bệnh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng nhận thức cũng như hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Bí quyết phòng ngừa Alzheimer đơn giản, dễ thực hiện
Mặc dù, không có cách nào để hồi phục hay điều trị dứt điểm Alzheimer, nhưng với một số thói quen sinh hoạt gợi ý dưới đây có thể giúp bạn không chỉ phòng ngừa và cải thiện trí nhớ, mà còn góp phần giúp chất lượng cuộc sống tốt hơn.
1. Kích thích trí não
Người luôn cố gắng ghi nhớ và thường thực hiện các hoạt động kích thích não bộ sẽ ít có nguy cơ mất trí nhớ hơn. Một số hoạt động bạn có thể dễ dàng thực hiện như: Đọc sách, báo thường xuyên; Chơi đố chữ hay những trò chơi trí tuệ; Ghi chép lại các hoạt động trong ngày; Học thêm 1 môn ngoại ngữ mới;...
>>> Thông tin thêm: Những bài tập thể dục dành riêng cho não bạn nên biết
2. Duy trì chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh
Lối sống lành mạnh sẽ ngăn ngừa sự suy giảm chức năng não bộ, bao gồm bệnh Alzheimer, ngay cả khi bạn mang yếu tố di truyền về bệnh này. Theo đó, lối sống lành mạnh bao gồm việc ăn các thực phẩm lành mạnh, chẳng hạn:
-
Hạn chế đường và carbohydrates như: bột mì trắng, mì ống, gạo trắng…
-
Tránh các loại dầu hydro hóa: Chất béo chuyển hóa có thể gây viêm và tạo ra các gốc tự do có hại cho não. Vì vậy, hãy cố gắng giảm tiêu thụ thức ăn nhanh và thực phẩm đóng gói sẵn.
-
Tiêu thụ nhiều omega-3: Omega-3 có nhiều trong cá hồi, cá cơm, quả óc chó… có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và làm chậm sự thoái hoá của não bộ.
-
Chế độ ăn giàu vitamin B12 và axit folic (Vitamin B9), vì chúng là các vitamin chịu trách nhiệm hình thành DNA cũng như duy trì các tế bào thần kinh khỏe mạnh.
-
Tăng cường trà xanh, bổ sung vitamin E - có nhiều trong đậu tương, giá, vừng, lạc, hạt hướng dương,…
>>> Tin liên quan: Làm thế nào để bắt đầu một chế độ ăn uống lành mạnh
3. Tập thể dục thường xuyên
Những bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ 30-60 phút mỗi ngày hay bơi lội có thể giúp làm tăng khả năng kết nối các mạch trong não và kích thích phát triển khả năng nhận thức.
4. Tăng cường giao tiếp xã hội
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, sự tương tác hay duy trì các kết nối xã hội có thể làm giảm nguy cơ suy giảm nhận thức và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer khi về già. Theo đó, bạn có thể: Tham gia một lớp học về chủ đề mà bạn quan tâm; thường xuyên gặp gỡ bạn bè, hàng xóm; ra ngoài đi dạo công viên, tập hít thở sâu,...
5. Ngủ đúng giờ, đủ giấc
Trong quá trình ngủ, não bộ sẽ tự phục hồi và tái tạo. Những mảng bám và độc tố gây ra chứng mất trí sẽ được loại bỏ trong quá trình này. Ngược lại, thiếu ngủ hay chất lượng giấc ngủ kém sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ cũng như tâm trạng của bạn, và dĩ nhiên điều này cũng sẽ khiến bạn có nhiều nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer hơn.
6. Kiểm soát lo âu, căng thẳng
Căng thẳng là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra bệnh Alzheimer ở nhiều người. Do đó, những liệu pháp như tập yoga và thiền có thể giúp bạn tăng khả năng nhận thức và làm chậm quá trình thoái hóa não bộ.
Chỉ với những gợi ý trên, bạn có thể giúp chính mình và những người xung quanh phòng ngừa căn bệnh Alzheimer này. Vì phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên đừng ngần ngại thực hiện theo ngay từ hôm nay bạn nhé!
>>> Bài viết liên quan: